Bị quấy rối tình dục: Nạn nhân không nên im lặng

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Đại diện Tổ chức Plan tại Việt Nam cho rằng, khi bị quấy rối tình dục, các em gái thường im lặng vì quá xấu hổ.

Theo kết quả khảo sát do Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam, ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới - Gia đình & Môi trường trong Phát triển, có 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt, 20% người chứng kiến trẻ em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt nhưng không hành động gì...

Bị quấy rối tình dục: Nạn nhân không nên im lặng - 1 

31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt (Ảnh minh họa)

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Plan vùng Hà Nội, Tổ chức Plan tại Việt Nam cho biết, đây là số liệu của cuộc khảo sát thông qua bảng hỏi với 1.195 em gái và nữ thanh niên trong độ tuổi từ 12 – 25 sử dụng xe buýt tại Hà Nội.

Thưa bà, con số 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt, 20% người chứng kiến trẻ em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt nhưng không hành động gì... nói lên điều gì?

Con số đó nói lên rằng, em gái và phụ nữ là nhóm dễ bị tổn thương ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Tuy nhiên, con số này không phải là cao so với khu vực và trên thế giới. Theo một khảo sát của tổ chức Stop Harassment (Chấm dứt quấy rối) thực hiện tại Mỹ vào đầu năm 2014 thì có đến 65% phụ nữ tham gia khảo sát đã từng bị quấy rối tình dục trên đường phố.

Ở London thì con số là 4/10 phụ nữ đã từng bị quấy rối trên đường phố. Ở Brazil, có khoảng 44% phụ nữ đã từng bị quấy rối tình dục khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Tỷ lệ 20% người chứng kiến không có thái độ hỗ trợ khi chứng kiến các hành vi sàm sỡ, quấy rối trên xe buýt cho thấy nhận thức về vấn đề quấy rối, sự tổn thương của các em gái vẫn còn chưa cao và thái độ thờ ơ với khó khăn của người khác của một bộ phận người dân.

Bà có thể cho biết các biểu hiện của quấy rối tình dục trên xe buýt ở Hà Nội mà Tổ chức Plan tại Việt Nam khảo sát thế nào?

Quấy rối tình dục bao gồm các cử chỉ, hành vi khiến đối phương cảm thấy khó chịu về mặt tâm lý và tình dục. Ví dụ như người nam giới cố ý để lộ các bộ phận sinh dục, huýt sáo trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bên ngoài phụ nữ. Hoặc có thể nhìn chằm chằm, ve vãn, tán tỉnh phụ nữ bằng các tin nhắn gợi dục.

Những điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các em gái?

Quấy rối tình dục làm cho em gái cảm thấy không được an toàn khi đi lại và bị mất tự tin. Điều này có thể sẽ hạn chế  các cơ hội học tập, tiếp cận thông tin bên ngoài của các em gái và nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội phát triển hết tiềm năng của các em.

Bị quấy rối tình dục: Nạn nhân không nên im lặng - 2

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Plan vùng Hà Nội, Tổ chức Plan tại Việt Nam 

Trong cuộc trao đổi riêng với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó GD Sở GTVT Hà Nội cho rằng, "hành vi quấy rồi tình dục “nhạy cảm”, không để lại hậu quả, bằng chứng, không cấu thành hành vi vi phạm... nên chưa thể đưa ra xét xử theo pháp luật. Bà có lời khuyên gì với phụ nữ ở trường hợp này?

Thực tế cho thấy đa số nạn nhân giữ im lặng, lảng tránh ra chỗ khác hoặc xuống xe ở bến tiếp theo để thoát khỏi hành vi quấy rối. Các em rất sợ hãi, xấu hổ nên không dám lên tiếng phản ứng trước những hành vi đó.

Điều này không giúp chấm dứt hành vi quấy rối mà vô hình trung khiến cho kẻ quấy rối không sợ hãi,  tiếp tục thực hiện hành vi đó với nạn nhân khác. Do vậy, các em gái cần lên tiếng, hô to để người xung quanh chú ý đến, kẻ quấy rối sẽ phải dừng hành vi. 

Các em cũng có thể báo với lái/phụ xe buýt hoặc gọi điện thoại cho đường dây nóng của công ty xe buýt hoặc của công an (có dán ngay trên kính xe hoặc thân xe).

Bà có đề xuất, khuyến nghị gì với cơ quan quản lý nhà nước?

Vừa qua, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã gửi văn bản tới chính quyền thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đề nghị phối hợp ngăn chặn quấy rối tình dục trên xe buýt.

Ngay sau đó UBND thành phố Hà Nội đã có công văn chỉ đạo Sở GTVT, Công an thành phố Hà Nội và Tổng công ty vận tải Hà Nội thực hiện các biện pháp mạnh để giải quyết vấn đề này.

Chúng tôi hoan nghênh quyết định này của chính quyền thành phố Hà Nội và mong muốn thúc đẩy hợp tác với các cơ quan ban ngành của thành phố trong việc thực hiện quyết định trên.

Hiện nay Plan đang hợp tác với Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội triển khai chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức của nam giới, kêu gọi hành động khi chứng kiến hành vi quấy rối tình dục; cung cấp các kỹ năng cho các em gái để ứng phó với hành vi quấy rối.

Bên cạnh đó, tổ chức Plan mong muốn hợp tác với các cơ quan và tổ chức để rà soát rà soát các văn bản luật hiện có và bổ sung thêm các luật và chế tài liên quan đến xử lý quấy rối tình dục, xây dựng cơ chế báo cáo và xử lý kịp thời các vụ việc quấy rối tại nơi công cộng và trên xe buýt…

Có ý kiến đề nghị Nhà nước nên có xe buýt riêng cho phụ nữ để tránh bị quấy rối tình dục,bà nghĩ sao ?

Kinh nghiệm trên thế giới chỉ ra rằng, để giải quyết vấn đề an toàn của phụ nữ và em gái ở nơi công cộng hay trên các phương tiện giao thông công cộng không thể bằng một biện pháp đơn lẻ.

Bên cạnh việc nâng cấp các cơ sở hạ tầng, tăng cường số xe buýt phục vụ để giảm quá tải thì việc nâng cao ý thức và thúc đẩy các hành vi tích cực là những can thiệp mấu chốt.

Chỉ khi mỗi một hành khách nam, hành khách nữ hiểu được các hành vi quấy rối là sai trái, vi phạm pháp luật, làm tổn thương các em gái và sẵn sàng hành động khi chứng kiến thì vấn đề mới được giải quyết. 

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng (Dân Việt)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN